Tháo gỡ vướng mắc trong tái canh cây cà-phê (10/04/2018, 14:28)

Nông dân huyện M'Đrắk (Đác Lắc) thu hoạch cà-phê niên vụ 2017 - 2018.

Theo Đề án tái canh cây cà-phê ở các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020, khu vực này sẽ tái canh khoảng 120 nghìn héc-ta. Mặc dù đã đi được hai phần ba chặng đường, nhưng diện tích cây cà-phê già cỗi cần chuyển đổi vẫn có chiều hướng tăng, ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng sản phẩm cà-phê hạt.

Tái canh ì ạch

Theo Đề án tái canh cây cà-phê giai đoạn 2014 - 2020, tỉnh Lâm Đồng sẽ tái canh 45.600 ha, tỉnh Đác Lắc 29.600 ha, Đác Nông 24.500 ha, Gia Lai 17.800 ha, Kon Tum 2.500 ha. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Đác Lắc Huỳnh Quốc Thích, sau gần bốn năm, tỉnh mới thực hiện được khoảng hơn 20.500 ha. Tốc độ tái canh cây cà-phê còn khá chậm trong khi diện tích cây già cỗi còn nhiều và đang có xu hướng tăng nhanh. Cụ thể, hơn một phần ba diện tích cây cà-phê của tỉnh đang ở độ tuổi từ 15 đến 20 tuổi, cho năng suất kém. Trong khi đó, hơn 80% diện tích cây cà-phê do nông hộ quản lý theo quy mô nhỏ, nhiều hộ dân chưa nắm vững quy trình kỹ thuật chăm sóc cũng như tái canh đã dẫn đến năng suất thấp, đầu tư kém hiệu quả. Trong đó, tỉnh Đác Nông mới tái canh được hơn 8.000 ha, tỉnh Gia Lai mới chỉ tái canh được khoảng 6.000 ha…

Viện trưởng Khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên Trương Hồng cho rằng, nguyên nhân cản trở việc tái canh chủ yếu do người dân gặp khó về tài chính, nguồn giống và kỹ thuật canh tác. Mặc dù Chính phủ có chủ trương ưu đãi vốn vay cho nông dân tái canh cây cà-phê, song tỷ lệ hộ nông dân tiếp cận được nguồn vốn này còn ít, chỉ chiếm khoảng 20 đến 30%. Bởi vì, thông thường tài sản có thể thế chấp thì họ đã thế chấp với ngân hàng lấy vốn sử dụng vào mục đích khác. Chính vì vậy, khi Nhà nước có chủ trương hỗ trợ nguồn vốn thực hiện chương trình tái canh, người dân không còn tài sản thế chấp để vay. Ngoài ra, việc giải ngân hỗ trợ tín dụng từ Nhà nước theo phương thức nhiều giai đoạn như hiện nay cũng không phù hợp với nhu cầu của người dân và không khuyến khích các hộ tiếp cận nguồn vốn vay. Đối với cây giống, vẫn chưa có chính sách hỗ trợ nông dân giống cà-phê đạt chất lượng cho tái canh. Trên thực tế, vẫn còn khoảng 30 đến 40% số hộ nông dân sử dụng giống cây cà-phê không rõ nguồn gốc, trôi nổi; bị bệnh rễ ngay trong bầu ươm, cho nên sau tái canh, năng suất, chất lượng sản phẩm kém, tỷ lệ cây bị bệnh thối rễ cao phải trồng đi, trồng lại nhiều lần. Cùng với đó, nhiều nông dân chưa có điều kiện tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật mới trong tái canh cây cà-phê. Cho nên dù đã tái canh nhưng nhiều diện tích sau từ hai đến ba năm trồng mới bị vàng lá, khô cành, thậm chí chết gây thiệt hại về kinh tế. Chưa kể thời gian tái canh cây cà-phê mất khoảng 5 năm, người trồng gần như không có thu nhập. Do vậy, nhiều hộ không thể tái canh hoàn toàn, nhất là những hộ mà nguồn chi cho sinh hoạt chủ yếu phụ thuộc vào cây cà-phê.

Gỡ khó cho nông dân

Nhằm đẩy nhanh tiến độ tái canh cây cà-phê, hiện các tỉnh Tây Nguyên đã rà soát lại toàn bộ diện tích phát triển cây cà-phê theo quy hoạch của Bộ NN và PTNT đến năm 2020 tại bốn tỉnh trọng điểm gồm: Đác Lắc, Lâm Đồng, Đác Nông, Gia Lai, theo ba cấp: tỉnh, huyện, xã và bắt đầu giảm dần diện tích cây cà-phê ở ngoài vùng quy hoạch, nhất là những vùng cà-phê không chủ động được nguồn nước, có độ dốc từ 15 độ trở lên, có vùng đất không thích hợp… Chính quyền các địa phương, nhất là UBND cấp huyện hướng dẫn các xã phân loại vườn, lập danh sách, diện tích các hộ dân cam kết có nhu cầu và đủ điều kiện tái canh làm cơ sở để ngân hàng bố trí nguồn vốn. Đồng thời, phối hợp ngân hàng phổ biến điều kiện cho vay vốn đến từng hộ dân, xác định hộ đủ điều kiện vay vốn theo vùng, và theo từng năm. Để người dân nắm bắt được điều kiện cũng như thủ tục vay vốn, các đơn vị liên quan phải xây dựng được cơ chế phối hợp giữa chính quyền, đoàn thể, ngân hàng, người vay vốn cho tái canh để giải quyết khó khăn về điều kiện vay vốn của người sản xuất; cụ thể hóa quy trình, hồ sơ, thủ tục vay vốn, định mức kinh tế - kỹ thuật, dự án mẫu để người sản xuất tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi đối với tái canh của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Thế giới.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có sự hỗ trợ giống cây cà-phê tốt cho nông dân tái canh, các loại giống mới phải được cấp thẩm quyền công nhận và cây giống đem trồng phải sạch bệnh. Bảo đảm kinh phí cho các cơ quan nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tập huấn đào tạo nông dân thực hành kỹ thuật tái canh cây cà-phê, cũng như đẩy mạnh tuyên truyền giúp nông dân tiếp cận được các tiến bộ kỹ thuật mới. Trong giai đoạn tái canh cây cà-phê, chính quyền các địa phương cần quan tâm giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người trồng cà-phê.

Theo Báo điện tử Nhân dân

VIDEO HƯỚNG DẪN CHÍNH THỨC CỦA BỘ Y TẾ
Loading the player...
Thống kê truy cập

Hôm nay: 2255

Tất cả: 10566350

Bản quyền thuộc: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk

Trưởng Ban biên tập: Ông Trương Hoài Anh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk.

Địa chỉ : 08 Lý Thái Tổ - TP. Buôn Ma Thuột - tỉnh Đắk Lắk

Email: anhth@tttt.daklak.gov.vn

Trang thông tin được thiết kế bởi Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk - Website:http://iocdaklak.vn