Tầm nhìn chiến lược cho cà phê đặc sản (18/02/2019, 14:31)

Gần đây, tỉnh Đắk Lắk đặc biệt quan tâm đến xây dựng chính sách định hướng cho tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất và tham gia thị trường cà phê đặc sản. Cách tiếp cận này kỳ vọng sẽ góp phần nâng tầm giá trị thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột và tạo hướng đi mới cho cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Hội đồng thử nếm cà phê đặc sản được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột vào cuối tháng 6-2018.

Hiện nay, bên cạnh sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận thì 1 số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê tại Đắk Lắk đang phối hợp với bà con nông dân trên địa bàn đẩy mạnh sản xuất cà phê đặc sản. Bên cạnh sự chủ động của các doanh nghiệp, người nông dân cũng bắt đầu tham gia “sân chơi” này. Anh Tạ Duy Thanh ở xã Ea Tân, huyện Krông Năng có 3 héc ta trồng cà phê. Trước đây anh trồng cà phê theo phương pháp truyền thống, lợi nhuận từ cây cà phê phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết và giá cả thị trường nên dù đầu tư nhiều nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không được bao nhiêu. Được sự vận động của các chuyên gia về cà phê, năm 2015, anh Thanh quyết định tham gia Hợp tác xã Ea Tân để phát triển cà phê đặc sản. Khác với sản xuất, chế biến cà phê thông thường, dòng cà phê cao cấp – cà phê đặc sản được trồng chế biến khá công phu với 3 hình thức khác nhau là chế biến ướt, bán ướt và chế biến tự nhiên. Mỗi cách chế biến mang đến mỗi hương vị riêng, tạo nên sự đa dạng, độc đáo cho sản phẩm nên tiềm năng tham gia thị trường cà phê đặc sản của Việt Nam rất lớn.

Phơi khô cà phê chế biến theo cách lên men quả tự nhiên ở Công ty TNHH MTV MINUDO Farm-Care

Để giúp người dân biết đến giá trị của dòng cà phê này, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk đã triển khai sản xuất cà phê “Fine Robusta Buôn Ma Thuột” theo các phương pháp chế biến khác nhau tại Hợp tác xã Ea Tân, huyện Krông Năng với sản lượng hằng năm khoảng 30 tấn và sản lượng xuất khẩu khoảng 15 tấn với giá tăng thêm khoảng 40% so với giá thị trường.

Trình bày quy trình chế biến cà phê truyền thống tại buổi họp báo LHCP 2019

Ông Trịnh Đức Minh – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột nhìn nhận, mặc dù xuất hiện sau cà phê hòa tan, pha máy nhưng cà phê đặc sản được giới sành cà phê xem như là một nghệ thuật ẩm thực bởi nó đặc biệt từ khâu sản xuất cho đến khâu pha chế. Đây là hướng đi mới nhằm nâng tầm giá trị thương hiệu cho cà phê mang Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột. Đồng thời, sự xuất hiện của cà phê đặc sản không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng cà phê mà còn tạo cơ hội cho người yêu thích cà phê ở Việt Nam biết thêm nhiều mùi vị khác, ngoài vị đậm hay đắng vốn có.

Thị trường cà phê đặc sản được hình thành cách đây khoảng 30 năm, đầu tiên là ở Mỹ, sau đó là các nước Châu Âu, Nhật Bản... Thị phần loại cà phê này chiếm khoảng 2% tổng sản lượng cà phê thế giới sản xuất ra. Tuy rằng, thị phần thấp nhưng đem lại giá trị gia tăng cao, gấp từ 5 đến 10 lần tùy theo loại cà phê.

Cho đến nay, phát triển cà phê đặc sản ở Đắk Lắk mới chỉ giai đoạn đầu, diện tích, sản lượng chưa nhiều. Một mặt do chưa có đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng như con người để tập trung phát triển dòng cà phê này, tuy nhiên điều quan trọng vẫn là thay đổi nhận thức của người trồng cà phê, cũng như tạo đầu ra ổn định để người dân yên tâm đầu tư phát triển cà phê đặc sản.

Quy trình chế biến cà phê đặc sản của Trung Nguyên Legend

Nhấn mạnh về nhiệm vụ trọng tâm tại hội nghị triển khai niên vụ cà phê năm 2018-2019, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hải Ninh khẳng định, cây cà phê vẫn là cây trồng thế mạnh và là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Đặc biệt, trong niên vụ 2017-2018, Đắk Lắk đã phát triển được sản phẩm cà phê đặc sản, đây là hướng phát triển mới, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trên thế giới. Trong niên vụ sắp tới, các địa phương chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng cà phê trên địa bàn; khuyến khích các nông hộ đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác và trồng xen; phát triển nhiều hơn nữa các vùng trồng cà phê đặc sản; tăng cường kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào chế biến sâu; cần thúc đẩy tiêu thụ thị trường trong nước; đẩy mạnh bảo hộ cà phê có Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột trên các thị trường nước ngoài.

Để quảng bá mặt hàng cà phê đặc sản, tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột sẽ tổ chức Cuộc thi cà phê đặc sản để phát hiện ra những lô hàng cà phê đặc sản, đồng thời mời các nhà rang xay đến trực tiếp thử nếm để đánh giá chất lượng sản phẩm.

Cũng theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, loại cà phê đạt 80 điểm trở lên theo thang điểm 100 của Hiệp hội Cà phê đặc sản Mỹ thì được xếp vào dạng cà phê đặc sản. Thang điểm này được xây dựng theo nhiều tiêu chí, trong đó có các yếu tố liên quan đến thổ nhưỡng, mùi hương, độ chua, ngọt, chất lượng hạt và phương thức rang.

 Để biết Cà phê Buôn Ma Thuột có thể làm được cà phê đặc sản hay không, trong hai niên vụ cà phê 2015 - 2016 và 2016 - 2017, Hiệp hội đã lấy 130 mẫu cà phê tại vùng nguyên liệu để các chuyên gia thử nếm đánh giá chất lượng. Kết quả, có hơn 10% mẫu cà phê có điểm số thử nếm đạt 80 điểm trở lên và có thể sản xuất sản phẩm cà phê đặc sản.

Nguồn: daklak.gov.vn

Các tin khác

VIDEO HƯỚNG DẪN CHÍNH THỨC CỦA BỘ Y TẾ
Loading the player...
Thống kê truy cập

Hôm nay: 3301

Tất cả: 11144171

Bản quyền thuộc: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk

Trưởng Ban biên tập: Ông Trương Hoài Anh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk.

Địa chỉ : 08 Lý Thái Tổ - TP. Buôn Ma Thuột - tỉnh Đắk Lắk

Email: anhth@tttt.daklak.gov.vn

Trang thông tin được thiết kế bởi Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk - Website:http://iocdaklak.vn