Sản xuất cà phê không gây mất rừng: Nguy cơ ít, cơ hội nhiều (01/06/2023, 13:01)

Theo quy định mới của Liên minh châu Âu (EU), những sản phẩm như cà phê, ca cao, gỗ, cao su... nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sau ngày 31/12/2020 sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này. Điều này thể hiện trách nhiệm của EU đối với vấn đề môi trường toàn cầu.

Đây là thách thức và cũng là cơ hội lớn cho ngành hàng cà phê Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng trong việc khẳng định uy tín, thương hiệu trên trường quốc tế.

* Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột:

Không nên xem quy định mới của EU là rào cản kỹ thuật

 

Liên minh châu Âu (EU) đưa ra Dự luật về sản phẩm không phá rừng là muốn thể hiện trách nhiệm đối với vấn đề bảo vệ môi trường chung của toàn cầu, họ muốn sử dụng những sản phẩm có trách nhiệm, không phá hủy môi trường. Có thể nói đây là tính trách nhiệm chung của toàn cầu chứ không nên nghĩ đây là một rào cản kỹ thuật gây khó đối với ngành cà phê Việt Nam. Đắk Lắk không lo ngại về câu chuyện cà phê gây mất rừng, tuy nhiên chúng ta phải chứng minh sản phẩm cà phê của Đắk Lắk không phải từ phá rừng bằng văn bản và hình ảnh.

Để Việt Nam - Đắk Lắk chủ động trong việc đáp ứng các quy định mới của EU thì ngành nông nghiệp và chính quyền ở các vùng nguyên liệu (cấp huyện) phải phổ biến rộng rãi, rõ ràng các quy định này, không chỉ riêng cho cây cà phê mà tất cả những sản phẩm nông nghiệp có liên quan. Những quy định này sẽ giúp người sản xuất chú trọng đến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm và sản xuất theo hướng bền vững gắn với hệ sinh thái trên vườn cây.

* Ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái:

Cần một sự cam kết

Với các quốc gia khác thì EUDR là thách thức vì những diện tích cà phê chồng lấn đất rừng khi điều tra có thể bị rủi ro. Ở Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng, các khu vực quy hoạch trồng cà phê ổn định từ lâu, hầu như không có diện tích mới. Đây là cơ hội để phát triển ngành cà phê một cách bền vững, nâng cao chất lượng và tăng sản phẩm chế biến sâu. Các doanh nghiệp đã tính toán, chủ động ứng phó nhanh, chú trọng cập nhật thông tin về thị trường xuất khẩu một cách hiệu quả. Hiện nay, cơ quan chức năng cần có cam kết và thực hiện các giải pháp để bảo đảm khi có biến động thị trường cà phê thì cũng không vi phạm quy định của EU. Cùng với đó, công tác truyền thông phải thật tốt ở tất cả các kênh thông tin, nhất là hoạt động đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp xuất khẩu; đồng thời, tuyên truyền để cảnh báo cho người dân nếu vi phạm sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột.

Theo: baodaklak.vn

Các tin khác

VIDEO HƯỚNG DẪN CHÍNH THỨC CỦA BỘ Y TẾ
Loading the player...
Thống kê truy cập

Hôm nay: 2968

Tất cả: 11143838

Bản quyền thuộc: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk

Trưởng Ban biên tập: Ông Trương Hoài Anh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk.

Địa chỉ : 08 Lý Thái Tổ - TP. Buôn Ma Thuột - tỉnh Đắk Lắk

Email: anhth@tttt.daklak.gov.vn

Trang thông tin được thiết kế bởi Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk - Website:http://iocdaklak.vn