Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam là xu thế tất yếu (07/03/2019, 16:09)

Cùng với mong muốn định vị Đắk Lắk – điểm đến Cà phê của Thế giới, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 tổ chức cuộc thi Cà phê đặc sản với mong muốn tôn vinh những đơn vị sản xuất, chế biến cà phê.

Việt Nam được biết đến là quốc gia giữ vị trí thứ 2 về xuất khẩu cà phê trên thế giới. Ngoài cà phê thương mại, chúng ta đã rất nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung cà phê nhân với cà phê có Chỉ dẫn địa lý, cà phê bền vững có chứng nhận và đã gặt hái những thành công đáng ghi nhận.

Theo Ông Trịnh Đức Minh – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột nhìn nhận: cà phê đặc sản là hướng đi mới nhằm nâng tầm giá trị thương hiệu cho cà phê mang Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột.

Điểm khác biệt của Cà phê đặc sản so với Cà phê chất lượng cao và Cà phê thông thường?

Cà phê đặc sản là một khái niệm được nhắc tới đầu tiên bởi Erna Knutsen năm 1974 trên tạp chí Tea & Coffee Trade Journal. Bà sử dụng thuật ngữ này để miêu tả những hạt cà phê thơm ngon nhất và được sản xuất tại những vùng có khí hậu đặc biệt. Điều kiện cần để ra đời cà phê đặc sản phải đạt ≥ 80/100 điểm theo thang điểm(SCA/CQI); Mùi vị đầy đủ; ít hoặc không có lỗi sơ cấp. Bên cạnh đó, để có thể đánh giá chất lượng của loại hạt cà phê, trong quá trình kiểm định để thu mua, những chuyên gia cà phê sẽ tiến hành kiểm tra, phân loại với những tiêu chí chính như: Thổ nhưỡng, địa điểm gieo trồng, cách thức chăm bón cây cà phê, cách thức thu hoạch và xử lý sau thu hoạch, phân loại, thử nếm.

Việc phát triển cà phê đặc sản có lợi ích gì đối với chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng hay ngành Cà phê Việt Nam nói chung?

Thị trường Cà phê đặc sản chiếm chưa tới 1% tổng sản lượng cà phê Thế giới. Cà phê đặc sản có tác dụng dẫn dắt nâng cao cho chất lượng ngành cà phê, ví dụ làm cà phê đặc sản phải là hái trái chín, sẽ giúp khắc phục hiện trạng thu hái cà phê xanh tràn lan hiện nay. Hiện tại, các quốc gia dẫn đầu về ngành hàng cà phê đều khai thác phân khúc thị trường cà phê đặc sản và đẩy mạnh truyền thông, quảng bá thương hiệu (Brazil, Indonesia, hiệp hội Cà phê đặc sản Châu Phi).

Vậy, việc phát triển cà phê đặc sản tại Việt Nam về chiến lược sẽ giúp khai thác phân khúc thị trường mới, đa dạng hóa mặt hàng, góp phần nâng cao chất lượng chung của cà phê Việt Nam. Đối với chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột, thì cà phê đặc sản góp phần khẳng định thương hiệu và nâng cao chất lượng cà phê Buôn Ma Thuột.

 
Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam là xu thế tất yếu - Ảnh 1.

Cà phê được hái chín bằng tay (ảnh: Bảo Hưng).

Nằm trong chuỗi hoạt động cùa Lễ hội Cà phê năm nay có cuộc thi Cà phê Đặc sản lần thứ nhất được tổ chức tại Việt Nam, ông cho biết cuộc thi này có ảnh hưởng như thế nào đối với việc phát triển Cà phê đặc sản Việt Nam?

 

Cà phê là ngành kinh tế chủ lực của Tỉnh, là một trong những nông sản gợi nhớ về đất nước, con người Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Trong đó, Buôn Ma Thuột được xem là thủ phủ cà phê của cả nước. Cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2019” được chọn là hoạt động tiêu điểm trong Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7, được tổ chức nhằm phát hiện, tôn vinh những lô cà phê và đơn vị sản xuất cà phê nhân đạt tiêu chuẩn đặc sản; giới thiệu cà phê nhân đặc sản Việt Nam đến người tiêu dùng, nhà rang xay trong và ngoài nước; kết nối trực tiếp nhà rang xay với đơn vị sản xuất Cà phê đặc sản; bước đầu phát triển thị trường, nhu cầu tiêu thụ và gia tăng giá trị cho Cà phê đặc sản Việt Nam; tạo động lực cho người trồng cà phê quan tâm đến việc không ngừng nâng cao chất lượng cà phê.

Ngoài ra, cuộc thi Cà phê đặc sản sẽ góp phần lành mạnh hóa và minh bạch hóa chất lượng cà phê. Từ đó tác động giúp cho toàn bộ cộng đồng cà phê và người tiêu dùng nhận thức rõ hơn về vai trò của cà phê chất lượng cao, trong đó, đỉnh cao là Cà phê đặc sản. Khi người tiêu dùng sử dụng Cà phê đặc sản: đảm bảo sức khỏe, trả giá phù hợp cho chất lượng của cà phê, tạo được văn hóa uống cà phê chất lượng cao.

 
Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam là xu thế tất yếu - Ảnh 2.

Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại TP.Buôn Ma Thuột.

Vai trò của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột trong việc phát triển Cà phê đặc sản? Đề xuất định hướng phát triển Cà phê đặc sản Việt Nam?

Từ trước đến nay, Hiệp hội Cà phê là nơi tập hợp và đại diện cho pháp nhân và thế nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê nhân và sử dụng cà phê mang Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột. Để nâng cao giá trị hạt cà phê địa phương nói riêng hay của Việt Nam nói chung thì cần phát triển thêm phân khúc Cà phê đặc sản.

Để làm được điều đó, Hiệp hội đề nghị cộng đồng cà phê tại Việt Nam nên xem xét việc gắn nhiệm vụ phát triển Cà phê đặc sản với một tổ chức đã có sẵn hoặc thành lập một hiệp hội Cà phê đặc sản mới. Đồng thời, Nhà nước hỗ trợ thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học để tạo ra giống và các quy trình công nghệ phù hợp hơn cho việc sản xuất Cà phê đặc sản. Đặc biệt, các đề tài phải xác định trọng tâm những vùng phát triển Cà phê đặc sản, tránh lựa chọn vùng đất không phù hợp. Bên cạnh đó, biên soạn tài liệu tham khảo, hỗ trợ, đào tạo, tập huấn những hộ nông dân có ý định phát triển Cà phê đặc sản. Tiếp đó, đưa mặt hàng Cà phê đặc sản vào chương trinh sản phẩm quốc gia cà phê chất lượng cao của Hội nông nghiệp.

Và cuối cùng, đề nghị các phòng thí nghiệm, thử nếm, các trường dạy nghề kết nối với các hội cà phê đặc sản Thế giới trong việc đào tạo nguồn nhân lực để phát triền cà phê đặc sản.

Hội thảo phát triển cà phê đặc sản Việt Nam dự kiến diễn ra vào ngày 10/3/2019 tại thành phố Buôn Ma Thuột. Hội thảo hướng tới mục tiêu nhận diện thị trường cà phê đặc sản thế giới và ở Việt Nam; tìm hiểu kinh nghiệm và mô hình phát triển cà phê đặc sản trên thế giới; xác định khả năng tham gia thị trường cà phê đặc sản của cà phê Việt Nam; đề xuất các giải pháp để phát triển cà phê đặc sản Việt Nam.
Theo Nhịp sống Kinh tế

VIDEO HƯỚNG DẪN CHÍNH THỨC CỦA BỘ Y TẾ
Loading the player...
Thống kê truy cập

Hôm nay: 960

Tất cả: 10539960

Bản quyền thuộc: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk

Trưởng Ban biên tập: Ông Trương Hoài Anh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk.

Địa chỉ : 08 Lý Thái Tổ - TP. Buôn Ma Thuột - tỉnh Đắk Lắk

Email: anhth@tttt.daklak.gov.vn

Trang thông tin được thiết kế bởi Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk - Website:http://iocdaklak.vn