Những "bàn tay vàng" thổi hồn cho gốc cà phê lâu năm (12/03/2023, 08:58)

Qua "bàn tay vàng" của hơn 50 nghệ nhân đến từ các tỉnh Tây Nguyên, các thân gốc cà phê sẽ được biến hóa tạo nên những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo.

Từ ngày 10/3, trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, tại Khu Du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Kotam (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) diễn ra Hội thi chế tác các sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê với sự tham gia của hơn 50 nghệ nhân đến từ các tỉnh Tây Nguyên.

Không khí nhộn nhịp, hăng say của hội thi.

Với chủ đề "Văn hóa, nghệ thuật, thiên nhiên, con người Tây Nguyên", các nghệ nhân có thời gian 3 ngày để chế tác sản phẩm mỹ nghệ bằng hình thức điêu khắc, chạm trổ, mài, đục, cắt gọt trên thân gỗ cây cà phê.

Sản phẩm hoàn thiện phải được ghép từ 6 thân gốc cà phê trở lên, hoặc có nhiều sản phẩm rời theo chủ đề được chế tác từ 6 thân gốc cà phê trở lên. Nội dung sản phẩm mô tả hình ảnh sinh hoạt, văn hóa tâm linh hoặc về thế giới tự nhiên, đồ dùng sinh hoạt, trang trí và các hình tượng khác trong đời sống vật chất, tinh thần của người Tây Nguyên.

Nghệ nhân chế tác sản phẩm mỹ nghệ trên thân gỗ cây cà phê.

Đồng thời, sản phẩm phải thể hiện được nét đặc trưng về nghệ thuật chế tác sản phẩm mỹ nghệ, làm nổi bật được giá trị truyền thống và mang lại giá trị thẩm mỹ cao. Khuyến khích những sản phẩm có ý tưởng sáng tạo, độc đáo, miêu tả được hình ảnh về Tây Nguyên. 

Sản phẩm hoàn thành sẽ được các nghệ nhân trực tiếp trình bày, thuyết minh về ý tưởng, nội dung, ý nghĩa về tác phẩm của mình và được Ban Giám khảo cuộc thi đánh giá, chấm điểm.

Đây là lần thứ 3 hội thi được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột. Khác với hai lần trước, lần này, cây cà phê được lựa chọn là chất liệu để các nghệ nhân sáng tạo, tạo nên những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo. 

Qua đó, sẽ phát huy giá trị sản phẩm, nâng cao giá trị cây cà phê, giúp người nông dân có thêm thu nhập sau khi cây cà phê già cỗi; đồng thời góp phần gìn giữ, bảo tồn văn hóa Tây Nguyên.

Những chiếc đục, khoan, cưa... làm việc hết công suất.

Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk Trần Phú Hùng, hội thi nhằm làm phong phú nội dung, tạo không khí vui tươi, góp phần vào thành công của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8. Đồng thời tạo điều kiện cho các nghệ nhân gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về chế tác sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê.

Đây là dịp để các nghệ nhân thể hiện niềm đam mê, sự sáng tạo trong nghệ thuật chế tác sản phẩm mỹ nghệ. Qua đó, ban tổ chức phát hiện các nghệ nhân giỏi để có chiến lược phát huy khả năng, tiềm năng của những nghệ nhân chế tác và giới thiệu những sản phẩm mỹ nghệ từ hội thi đến nhân dân 49 dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cùng du khách.

Những thân gỗ sần sùi đang dần thành hình theo ý tưởng của các nghệ nhân.

Hội thi chế tác sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê sẽ bế mạc và trao giải vào chiều 12/3.

Kết thúc hội thi, các sản phẩm chế tác sẽ được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng – Khu Du lịch sinh thái văn hóa cộng đồng Kotam để giới thiệu, quảng bá nét đặc trưng văn hóa của con người Tây Nguyên đến khách du lịch.

Theo: danviet.vn

VIDEO HƯỚNG DẪN CHÍNH THỨC CỦA BỘ Y TẾ
Loading the player...
Thống kê truy cập

Hôm nay: 2777

Tất cả: 11244816

Bản quyền thuộc: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk

Trưởng Ban biên tập: Ông Trương Hoài Anh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk.

Địa chỉ : 08 Lý Thái Tổ - TP. Buôn Ma Thuột - tỉnh Đắk Lắk

Email: anhth@tttt.daklak.gov.vn

Trang thông tin được thiết kế bởi Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk - Website:http://iocdaklak.vn