Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Công Thương).

Theo đó, các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở chế biến cà phê rang xay (cà phê rang, cà phê bột) đầu tư nâng cao chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm để tăng nhanh sản lượng từ 26.000 tấn/năm hiện nay lên 50.000 tấn/năm vào năm 2020, chủ yếu là tiêu thụ nội địa.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã khuyến khích các địa phương đầu tư phát triển công nghiệp chế biến cà phê hòa tan thành phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, với sản lượng đạt 255.000 tấn/ năm; trong đó, cà phê hòa tan nguyên chất chiếm trên 20%, sản lượng còn lại là cà phê hòa tan phối trộn (3 trong 1, 2 trong 1…).

Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung khuyến khích phát triển chế biến cà phê hòa tan tại các vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long để nâng công suất thiết kế tăng lên trên 55.000 tấn/năm. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong, ngoài nước đầu tư sản xuất cà phê hòa tan phối trộn tại các vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Trung du Miền núi phía Bắc để nâng tổng công suất thiết kế tăng lên 200.000 tấn/năm. Theo đó, trọng tâm chủ yếu là vùng Tây Nguyên (31.520 tấn/năm), kế đến là vùng Đông Nam Bộ (14.480 tấn/năm)…

Mặc dù sản lượng cà phê chế biến sâu chiếm tỷ lệ phần trăm trong tổng sản lượng cà phê nhân trong cả nước còn khiêm tốn nhưng dự kiến đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu và tiêu dùng nội địa của cà phê chế biến sâu đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 25% tổng giá trị sản xuất của công nghiệp chế biến cà phê.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian tới sẽ tập trung hỗ trợ các dự án đầu tư chế biến cà phê theo hướng chuyển dịch cơ cấu sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng, theo đúng quy hoạch (bao gồm chế biến cà phê nhân theo phương pháp chế biến ướt, chế biến cà phê hòa tan, đầu tư nâng cao chất lượng chế biến cà phê rang xay).

Nhà nước cũng hỗ trợ các doanh nghiệp đủ điều kiện chế biến xuất khẩu cà phê, đào tạo đội ngũ cán bộ có nghiệp vụ chuyên môn giỏi, thông thạo Anh ngữ, xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, hội thảo quốc tế về cà phê. Đồng thời, xúc tiến kêu gọi đầu tư vào công nghiệp chế biến; kết nối chế biến với tiêu thụ qua hình thức liên doanh liên kết, đảm bảo kết nối kênh tiêu thụ thông qua tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng cà phê chế biến sâu vào các thị trường nước ngoài này…

Theo các đơn vị chức năng, cà phê chế biến sâu là khâu cho giá trị gia tăng cao nhất, từ 70 đến 100 triệu đồng/tấn cà phê quy nhân nhưng hiện nay cà phê chế biến sâu cũng là mặt hàng có cơ cấu thấp nhất mới chiếm chưa đến 10% trong tổng sản lượng cà phê nhân của cả nước. Thực tế, hiện nay, cả nước chỉ mới có 8 nhà máy chế biến cà phê hòa tan nguyên chất, với tổng công suất thiết kế 36.480 tấn/năm, 11 nhà máy chế biến cà phê hòa tan phối trộn, với tổng công suất 139.850 tấn/năm và hàng trăm cơ sở chế biến rang xay nhỏ lẻ khác.

Cũng theo các chuyên gia, khác với thị hiếu trong nước, ở các nước phát triển, cà phê được tiêu thụ chủ yếu như một thức uống công nghiệp nên khó xuất khẩu cà phê rang xay, trong khi tại thị trường nội địa thì cà phê bị cạnh tranh với chè là thức uống truyền thống. Đối với cà phê hòa tan, do chất lượng thử nếm cà phê Việt Nam chưa phù hợp với thị trường thế giới, hơn nữa khó cạnh tranh với các tập đoàn lớn, có thương hiệu lâu đời, vốn nắm giữ phần lớn thị trường cà phê hòa tan… nên phần lớn sản phẩm cà phê chế biến sâu của Việt Nam đều tiêu thụ thị trường nội địa.

Đắk Lắk là vùng trọng điểm cà phê của cả nước nhưng hiện nay, cà phê chế biến sâu cũng chỉ mới chiếm gần 10% trong tổng sản lượng cà phê nhân. Đắk Lắk hiện chỉ mới có 163 cơ sở chế biến sâu cà phê , trong đó, chủ yếu là các cơ sở rang xay nhỏ lẻ, chỉ có 3 doanh nghiệp FDI tham gia chế biến cà phê bột, gồm Công ty TNHH Đak Man, Công ty TNHH Olam, Công ty TNHH cà phê Hà Lan Việt Nam và 2 cơ sở chế biến cà phê hòa tan gồm Công ty TNHH Cà phê Ngon (100% vốn của Ấn Độ) và Công ty Cổ phần Đầu tư, Phát triển An Thái, với sản lượng 22.000 tấn cà phê bột, 5.280 tấn cà phê hòa tan.

Niên vụ 2016- 2017, tỉnh Đắk Lắk đã xuất khẩu cà phê hòa tan đạt 4.426 tấn, chiếm tỷ lệ 2,2% số lượng cà phê xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu đạt 28,802 triệu USD, chiếm 6,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh, sản lượng cà phê chế biến sâu còn lại tiêu thị trường trong nước…

Hiện nay, cả nước có tổng diện tích cà phê trên 664.633 ha, tăng 14.000 ha so với năm 2017, trong đó diện tích cà phê kinh doanh cho thu hoạch 606.938 ha, với sản lượng niên vụ 2017-2018 đạt 1,529 triệu tấn cà phê nhân,trong đó, diện tích, sản lượng cà phê chủ yếu tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên./.

Theo Quang Huy/TTXVN