Đắk Lắk định hướng sản xuất Cà phê liên kết theo chuỗi giá trị (16/03/2023, 08:46)

Cây cà phê ở Đắk Lắk hiện nay được trồng chủ yếu ở vùng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột với diện tích 213 nghìn ha, lớn nhất cả nước (chiếm trên 30% diện tích cả nước), năng suất bình quân đạt trên 27 tạ/ha, sản lượng hàng năm đạt khoảng 530 nghìn – 540 nghìn tấn cà phê nhân. Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế tỉnh Đắk Lắk, là sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội, với giá trị xuất khẩu gần 900 triệu USD/năm, chiếm khoảng 55% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và chiếm 21% kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.

Đồng chí Nguyễn Hoài Dương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết: Kết quả nổi bật trong thực hiện Đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của tỉnh Đắk Lắk là đã có gần 46 nghìn ha cà phê được áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận. Các tổ chức tín dụng toàn tỉnh cho 5.676 khách hàng vay tái canh cà phê với dư nợ 2.101 tỷ đồng; toàn tỉnh có 54 Tổ hợp tác và Hợp tác xã (HTX) sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn quốc tế, với diện tích hơn 6 nghìn ha; tập trung định hướng, chuyển đổi kỹ thuật về quy trình sản xuất cà phê bền vững cho 17.508 hộ nông dân, đang quản lý diện tích 19.773 ha cà phê. Tính đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có 782 công trình thủy lợi, hơn 2.031 km kênh mương, trong đó 1.228 km kênh mương đã kiên cố hóa, chủ động nước tưới cho 57.164 ha cà phê, đạt 27,46% tổng diện tích. Hiện nay, Đắk Lắk đang được đầu tư một số công trình thủy lợi lớn, tiến tới chủ động nguồn nước tưới cho sản xuất cà phê bền vững.

Cán bộ, nhân viên Công ty TNHH MTV Cà phê 15 thu hoạch cà phê chất lượng cao.

Đại tá Phạm Xuân Thảnh: Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 15 cho biết: Trong thời gian tới, Công ty sẽ có chiến lược, hoạch định đầu tư, phát triển từng bước thực hiện việc chăm sóc vườn cà phê theo hướng sản xuất hữu cơ. Toàn bộ diện tích gần 900 ha đất trồng cà phê của Công ty đều có đai rừng chắn gió, chống xói mòn, đồng thời giữ ổn định tiểu khí hậu vùng, đảm bảo nguồn nước tưới tự nhiên từ các hồ chứa trong khu vực địa bàn. Trong quá trình sản xuất trồng, chăm sóc cây cà phê trên đồng ruộng, Công ty tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật theo hệ thống quản lý ISO 9001: 2008. Sử dụng phân bón sinh học tổng hợp thay thế các loại phân vô cơ, dùng biện pháp canh tác tiên tiến, áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp IPM, hết sức hạn chế sử dụng các loại thuốc BVTV. Doanh nghiệp đang áp dụng quy trình công nghệ sản xuất chế biến khô, chế biến ướt, hệ thống sân phơi, kho tàng, dây chuyền xay xát và nhà màng phục vụ chế biến cà phê chất lượng cao và cà phê đặc sản.

Sau thành công của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, năm 2023, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk xác định cây cà phê là thế mạnh của ngành kinh tế tỉnh Đắk Lắk, quan điểm của tỉnh Đắk Lắk không tăng diện tích cà phê, tập trung tái canh theo kế hoạch và thực hiện phát triển cà phê bền vững ở cả ba khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó cà phê chất lượng cao được xem là định hướng quan trọng cho sản xuất, chế biến, bảo quản góp phần quan trọng nâng cao giá trị ngành hàng cà phê của tỉnh trong những giai đoạn tiếp theo. Sản xuất cà phê theo hướng xây dựng vùng nguyên liệu tập trung có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc liên kết theo chuỗi giá trị, trên cơ sở hình thành các HTX trong chuỗi ngành hàng cà phê. Huy động các nguồn lực từ các chương trình và dự án để triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển cà phê bền vững đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của tỉnh. Đồng thời, tỉnh Đắk Lắk cũng có các chính sách ưu đãi để xúc tiến thu hút các nhà đầu tư dự án chế biến sâu, tìm kiếm thị trường mới. Hiện tại, trong tổng diện tích 213 nghìn ha cà phê hiện có của toàn tỉnh, có 107 nghìn ha đủ điều kiện sản xuất cà phê chất lượng cao, có chỉ dẫn địa lý và xuất xứ sản phẩm.

Cũng theo khẳng định của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương: Lễ  hội Cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức theo định kỳ 2 năm/lần, nhằm mục đích tôn vinh cây cà phê, cây trồng đang chiếm vị trí độc tôn trong cơ cấu cây công nghiệp của tỉnh và chiếm đến 35% sản lượng cà phê của Việt Nam, đã đem lại sự ấm no, trù phú cho mảnh đất vùng cao nguyên này, qua đó nâng cao hiệu quả về kinh tế của ngành cà phê nói chung, cà phê Đắk Lắk nói riêng; đồng thời, đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu cho thương hiệu mang tên gọi xuất xứ hàng hóa “Cà phê Buôn Ma Thuột”, nhằm khẳng định thương hiệu cà phê đặc sản của tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.

Với những chính sách ưu đãi, ngày 9/7/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện kế luận số 67/KL-TW, ngày 16-12-2019 của Bộ chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. UBND thành phố Buôn Ma Thuột đang thực hiện các bước đột phá, một nội dung quan trọng của chương trình hành động là xây dựng Đề án Phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố Cà phê của thế giới”; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia.

Theo: baoquankhu5.vn

VIDEO HƯỚNG DẪN CHÍNH THỨC CỦA BỘ Y TẾ
Loading the player...
Thống kê truy cập

Hôm nay: 1748

Tất cả: 10771807

Bản quyền thuộc: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk

Trưởng Ban biên tập: Ông Trương Hoài Anh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk.

Địa chỉ : 08 Lý Thái Tổ - TP. Buôn Ma Thuột - tỉnh Đắk Lắk

Email: anhth@tttt.daklak.gov.vn

Trang thông tin được thiết kế bởi Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk - Website:http://iocdaklak.vn